Các ngân hàng Mỹ đang “bơi trong tiền” giữa Covid-19

Dữ liệu cho thấy, tiền gửi tiết kiệm đã tăng vọt lên mức kỷ lục 2 nghìn tỷ USD tại các ngân hàng Mỹ kể từ khi đại dich Covid-19 lần đầu tiên “tấn công” Mỹ vào tháng 1, theo báo cáo của FDIC.

Ngân hàng JPMorgan Chase tại New York, Mỹ.

Lượng tiền mặt chảy vào các ngân hàng Mỹ đang gia tăng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: chỉ riêng trong tháng 4, tiền gửi ngân hàng đã tăng 865 tỷ USD, nhiều hơn con số kỷ lục trong cả năm trước đó.

Tất cả đều được thúc đẩy nhờ đại dịch: Chính phủ Mỹ đã bơm hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân thông qua các gói kích thích và trợ cấp thất nghiệp. Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu một loạt các nỗ lực hỗ trợ thị trường tài chính, bao gồm cả chương trình mua trái phiếu không giới hạn. Và một tương lai không chắc chắn đã thúc đẩy những người Mỹ, từ hộ gia đình đến các tập đoàn toàn cầu, đồng loạt gửi tiền mặt.

Hơn hai phần ba số tiền trên thuộc về 25 tổ chức lớn nhất nước Mỹ, theo FDIC, tập trung ở các ngân hàng như: JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup. Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ này đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của ngành trong quý đầu tiên, theo dữ liệu FDIC thu thập được.

Brian Foran, một nhà phân tích tại Autonomous Research cho biết, “Giờ đây, khi bạn nhìn vào những con số, sự tăng trưởng này là hoàn toàn phi thường. Các ngân hàng đang ngập trong tiền mặt, họ giống như đang ‘bơi bằng tiền’ vậy”.

Và tại sao các ngân hàng khổng lồ của Mỹ – những tổ chức sống sót sau cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 2008 – lại là những người hưởng lợi chính từ các khoản tiền gửi? Khi các bang bắt đầu ngừng hoạt động vào tháng 3, các tập đoàn như Boeing và Ford đã ngay lập tức thu được hàng chục tỷ đô la từ các khoản tín dụng, và số tiền đó sẽ được gửi vào các ngân hàng mà họ đã cho thực hiện các khoản vay đó.

Các ngân hàng lớn cũng phục vụ một lượng lớn khách hàng trong “Chương trình bảo vệ tiền lương”, khi Chính phủ đã nỗ lực giải ngân 660 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Và số tiền sẽ rơi vào tài khoản ngân hàng của các công ty đang được tạo điều kiện cho các khoản vay.

Tiếp theo đó, các tổ chức được gọi là Ngân hàng ủy thác, là người giám sát các khoản đầu tư của các nhà quản lý tài sản như BlackRock hoặc Fidelity, đã nhận được tiền gửi khi chương trình mua trái phiếu của FED cho phép hàng tỷ đô la chứng khoán được thế chấp.

Các ngân hàng khổng lồ đơn giản là có nhiều khách hàng lẻ nhất ở Mỹ; Trong khi đó, người dân không có nhiều lựa chọn để tiêu tiền trong khi trú ẩn ở nhà. Vì vậy, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã đạt mức kỷ lục 33% trong tháng 4, Cục phân tích kinh tế Mỹ cho biết vào tháng trước. Thu nhập của người Mỹ thực sự đã tăng 10,5% trong tháng đó nhờ vào 1.200 USD nhận được từ gói kích thích kinh tế và trợ cấp thất nghiệp.

Tất cả số tiền đó đã chảy vào các tài khoản ngân hàng. Giám đốc điều hành của ngân hàng Bank of America, Brian Moynihan nói với CNBC vào tháng trước rằng, các tài khoản có dưới 5.000 USD đã tăng nhiều hơn tới 40% so với trước đại dịch.

Các ngân hàng, với mạng lưới chi nhánh từ khổng lồ, đã dựa vào lượng tiền gửi dồi dào như một lợi thế chính trong kỷ nguyên khủng hoảng hậu tài chính. Chúng là một trong những nguồn tài trợ chủ yếu cho các khoản vay rẻ nhất, giúp ngành “đúc tiền” vẫn lãi kỷ lục ngay cả trong thời điểm lãi suất thấp.

“Nhưng các ngân hàng, sẽ thận trọng khi cho vay tiền trong thời kỳ suy thoái”, theo Foran.

Rất nhiều ngân hàng cho biết: “Thật ra, chúng tôi không thể làm gì nhiều với số tiền này ngay bây giờ”.

Nếu sự bùng nổ tiền gửi chỉ là một dấu hiệu của các bước được thực hiện để giảm bớt tác hại tài chính từ đại dịch, thì vẫn còn phải xem kết quả cuối cùng là gì đối với những khoản kích thích đi vào lịch sử của chính phủ Mỹ. Một số chuyên gia “nhìn thấy” sự sụp đổ của đồng đô la cùng với lạm phát cao hơn. Những người khác nhìn thấy một bong bóng thị trường chứng khoán sắp được tạo ra.

Và một hậu quả sẽ đến ngay lập tức cho những người gửi tiết kiệm, Foran nói: “Các ngân hàng chắc chắn sẽ hạ lãi suất thấp hơn, vì họ không cần nhiều tiền hơn nữa”.

Thùy Dung

Theo CNBC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?