Sẽ không quá khi nói ngành công nghiệp dầu mỏ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua.
Khi các nền kinh tế phương Tây rơi vào trạng thái ngủ đông với hi vọng dập tắt làn sóng virus corona đầu tiên thông qua việc phong tỏa và cách li, ngành dầu mỏ phải đối mặt với một thực tế là nhu cầu nhiên liệu sẽ giảm nhanh hơn bao giờ hết.
Giá dầu đã giảm một nửa kể từ đầu tháng 3 khi các hãng hàng không bị ngừng hoạt động và hàng triệu người tránh di chuyển bằng xe hơi, thay vào đó là đi bộ và làm việc tại nhà.
Đối với ngành công nghiệp từ lâu đã nhận thức được sự thay đổi 1- 2% trong cán cân cung – cầu có thể là sự khác biệt giữa giá tăng hoặc giảm, thì việc mức tiêu thụ giảm mạnh rất khó để giải quyết.
Với châu Âu và Bắc Mỹ đứng yên, các ước tính mới nhất cho thấy lượng tiêu thụ toàn cầu có thể giảm 10 – 15% trong vài tháng tới. Tại thời điểm bình thường, thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng/ngày.
Theo Financial Times, đây là qui mô của sự sụp đổ nhu cầu và nó sẽ làm lu mờ cuộc chiến về giá giữa Arab Saudi và Nga, hai nước đang làm ngập thị trường với những thùng dầu không cần thiết sau khi không đạt được thoả thuận làm thế nào để đối phó với khủng hoảng nhu cầu.
Tuy nhiên, không có nhiều thanh phần nghi ngờ hành động của hai nền kinh tế đã làm trầm trọng thêm vụ khủng hoảng và kéo dài thời gian phục hồi.
Kết quả có khả năng là các bể chứa sẽ được đổ đầy trong vòng vài tháng. Ngay cả các siêu tàu trên biển, được huy động làm tàu lưu trữ khẩn cấp, có thể được khai thác tối đa vào cuối mùa hè.
Việc sẽ chỉ ngừng lại khi nhà sản xuất dầu đắt nhất bắt đầu ngừng hoạt động, hoặc các nhà sản xuất yếu nhất phá sản.
Mặc dù vậy, các mỏ dầu không thể tắt và bật chỉ với một cái công tắc. Chi phí và nguy cơ ngừng hoạt động sản xuất có nhiều khả năng dẫn đến một cuộc chiến tiêu hao.
Giá dầu thô đã giảm xuống dưới 20 USD/ thùng trong phiên giao dịch đầu tuần, mức thấp nhất trong 18 năm. Các nhà phân tích dự đoán giá có thể rơi xuống mức chỉ mười mấy USD hoặc thậm chí một con số.
Việc sa thải qui mô lớn, vốn đã xảy ra đối với ngành công nghiệp giải trí, không còn quá xa vời đối với ngành năng lượng, với các báo cáo rải rác của các nhà thầu đã được đưa ra.
Sự sụp đổ đến vào thời điểm tồi tệ nhất có thể đối với một ngành công nghiệp đã không được nhà đầu tư ưu ái, những người lo ngại nhu cầu dầu sẽ chạm đỉnh trong thập kỉ tới hoặc lo ngại về các tác động môi trường.
Một số ít nhà đầu tư khó tính mắc kẹt với các ông lớn ngành năng lượng đã thất vọng một lần nữa. Giá cổ phiếu của BP giảm hơn 50% trong năm nay xuống mức được nhìn thấy lần cuối vào năm 1995, thấp hơn mức ghi nhận hồi thảm họa Macondo khi sự sống còn của công ty bị lung lay.
ExxonMobil, từng là một công ty niêm yết lớn nhất thế giới, đã mất 70% giá trị thị trường trong 6 năm qua.
Nếu triển vọng ngắn hạn cho ngành công nghiệp là, thẳng thắn mà nói, “một địa ngục”, thì triển vọng dài hạn được cho là không mấy tốt hơn.
Đại dịch có thể để lại dấu ấn cho sự tăng trưởng nhu cầu dầu đã lung lay sẵn. Di chuyển quốc tế sẽ mất thời gian để phục hồi. Các công ty và nhân viên thích nghi thành công với công việc tại nhà có khả năng biến nó thành một phần lớn hơn trong tương lai của họ, giữ cho đường phố ít xe hơi hơn.
Điều này khiến ngành công nghiệp không có nhiều cơ hội vượt qua kì vọng trong trung hạn. Kì vọng trong trung hạn là sự sụp đổ qui mô lớn của giá dầu cuối cùng sẽ khiến các đối thủ cạnh tranh thiếu vốn trầm trọng và dẫn tới sản xuất giảm rồi kéo giá tăng trở lại.