Tác động khủng khiếp của dịch Covid-19, nền kinh tế “thấm đòn”

Nền kinh tế đã bắt đầu “thấm đòn” dịch Covid-19 khi mà không chỉ ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp đang phải đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Tác động khủng khiếp của dịch Covid-19: DN đối mặt việc ngừng sản xuất

Cuộc họp tại Bộ Công Thương về những tác động của dịch Covid 19 tới sản xuất Việt Nam diễn ra chiều 26/2.

Tại cuộc họp chiều ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ kép khi nguồn cung cho sản xuất khan hiếm, đồng thời cầu cũng suy giảm.

Theo ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện – điện tử.

“Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020”, ông Hoài đưa ra thông tin đáng lo ngại.

Còn đối với ngành dệt may, da giày – một trong lĩnh vực đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho Việt Nam cũng chỉ chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.

Ác mộng giới đầu tư chứng khoán: 7,5 tỷ USD bị “thổi bay” trong tuần qua

Tuần qua, chỉ số chính VN-Index của thị trường có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, thiệt hại tổng cộng 50,9 điểm tương đương 5,45% so với cuối tuần trước trong khi HNX-Index đạt tăng 1,49 điểm tương đương 1,38%.

Theo đó, vốn hoá thị trường của sàn HSX trong vòng 1 tuần đã bị “thổi bay” tới 174.164 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD) và quy mô hiện đạt hơn 3,01 triệu tỷ đồng.

Theo BVSC, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và nguy cơ lan rộng và kéo dài của dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nội cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và không có dấu hiệu được kiểm soát nhanh chóng.

Giá vàng tăng chóng mặt, áp sát mốc 50 triệu đồng/lượng

Lúc 16h ngày 24/2, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Tập đoàn DOJI giao dịch ở mức 47,7 triệu đồng/lượng (mua vào) – 49,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Các mức giá này tăng mạnh mỗi chiều 1,5 triệu đồng/lượng – 2,6 triệu đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng nay và tăng tới 3,25 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Đây được xem là mức tăng trong một ngày lớn nhất từ trước tới nay, vượt xa cả các biến động của năm 2011 khi giá vàng phi mã.

Giá vàng trong nước liên tục tăng cao do bị ảnh hưởng từ giá vàng thế giới khi dịch cúm Covid-19 lây lan mạnh khiến dòng tiền đổ mạnh vào kênh đầu tư an toàn. Một số chuyên gia trong ngành cũng đánh giá, ở đây có tình trạng “sốt giá ảo” và có thể có yếu tố đầu cơ. Giá vàng những ngày sau đó đã quay đầu giảm mạnh.

Thủ tướng: Việt Nam là đất nước an toàn!

Chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 25/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển.

“ Việt Nam là đất nước an toàn, có kinh tế vĩ mô tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững” –  Thủ tướng khẳng định và cho biết: “Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch Covid-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo đảm sự phát triển của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ: “Khó khăn phải vượt qua. Chúng ta cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp. Chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng”.

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế – xã hội do dịch Covid-19, trong đó cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài.

Hai tháng hoành hành, Covid-19 khiến ngân sách giảm thu 150 tỷ đồng/ngày

Tổng cục Hải quan vừa báo cáo về tác động trực tiếp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus corona gây nên. Theo đó, ước thu tháng 2/2020 từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỷ đồng, so với tháng 1/2020 (26.019 tỷ đồng).

Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng đóng góp số thu lớn đều giảm so với tháng trước, như máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu, quặng,…

Tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 49.700 tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán, bằng 14,0% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 7,87% so với cùng kỳ năm 2019 (4.243 tỷ đồng).

Nếu 2 tháng đầu năm 2019, ngân sách thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.458 tỷ đồng/ngày, thì 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày, giảm 150 tỷ đồng/ngày.

 Mai Chi (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?