Virus corona “đe dọa” tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?

Trong bối cảnh tăng trưởng sẽ chậm lại do tác động của virus corona, giới phân tích dự báo, không loại trừ khả năng Chính phủ sẽ nới tăng trưởng tín dụng, kích thích tài khóa, đẩy mạnh đầu tư công.

Tính đến hết ngày 4/2, thế giới có tổng cộng 492 người tử vong vì nCoV, gần 24.000 người nhiễm bệnh. Trong khi đó, tổng cộng 757 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam hiện cũng đã ghi nhận 10 trường hợp nhiễm bệnh.

Những gián đoạn với kinh tế Trung Quốc chỉ là ngắn hạn?

Một báo cáo có tên “Virus corona – Cơ hội cần nắm bắt” vừa được Khối phân tích của Công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) công bố đã đánh giá, trong đại dịch này, GDP Trung Quốc sẽ bị tác động tiêu cực ngay trong quý I/2020, nhưng kỳ vọng sự ảnh hưởng này không kéo dài.

Theo đó, tiêu dùng và du lịch là hai lĩnh vực dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm các tour du lịch trong, ngoài nước, từ việc người dân hạn chế ra đường, đi xem phim hay mua sắm.

Citi Group dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc quý I có thể suy giảm xuống mức 4,8% từ 6,0% quý IV trước đó. Tổ chức này cũng cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc trong cả năm 2020 xuống mức 5,5% từ 5,8% trước đó.

Dù còn quá sớm để đánh giá về các hệ quả của dịch bệnh viêm phổi corona nhưng với những động thái kiểm soát quyết liệt của chính phủ Trung Quốc cũng như mức độ phát triển của dịch bệnh, KBSV cho rằng tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ hạn chế hơn so với đại dịch SARS năm 2003. Cùng với đó, KBSV cũng kỳ vọng những gián đoạn kinh tế Trung Quốc chỉ là ngắn hạn.

Dịch viêm phổi cấp SARS bùng phát trong 8 tháng, kéo tăng trưởng Trung Quốc sụt giảm 2% xuống 9,1% trong quý II/2003 nhưng nhanh chóng tăng vọt lên 10% vào nửa sau của năm 2003. Dịch bệnh MERS ở Hàn Quốc trong năm 2015 cũng đã cho thấy diễn biến tương đồng.

Theo KBSV, dịch bệnh Corona diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu và dễ tổn thương. Bởi vậy, để vực dậy và chống đỡ lại những tác động tiêu cực từ khủng hoảng Corona, nhóm phân tích dự báo, Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm công bố gói kích thích kinh tế quy mô lớn, kết hợp giữa nới lỏng tiền tệ (tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, gia tăng tín dụng…) cùng với mở rộng tài khóa, và có thể vượt qua mức giới hạn thâm hụt 3% GDP.

Trong một động thái gần nhất, PBoC tuyên bố sẽ bơm 21,7 tỷ USD vào thị trường tiền tệ trong phiên mở cửa trở lại ngày 03/2 nhằm bình ổn tâm lý thị trường cùng với những gói vay lãi suất thấp giúp đỡ các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh.

Virus corona “đe dọa” tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ ứng phó ra sao? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Biểu đồ về sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc: Việt Nam trong nhóm phụ thuộc lớn nhất

Ứng phó của Việt Nam?

Còn với kinh tế Việt Nam, đương nhiên cũng sẽ chịu tác động tiêu cực ở hai hoạt động du lịch và thương mại. Tuy nhiên, ảnh hưởng chung lên nền kinh tế được cho là không quá lớn trong kịch bản cơ sở, dịch bệnh không bùng phát rộng tại các thành phố lớn.

Với việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài, tác động tới lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ là lớn khi theo Tổng Cục du lịch Việt Nam, số lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2019 đã lên tới 5,8 triệu lượt, chiếm 32,24% tổng lượng khách quốc tế.

Tiêu dùng bị gián đoạn của Trung Quốc cũng sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, qua đó sẽ có thể tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị gián đoạn dài cũng sẽ tác động nhất định đến hoạt động sản xuất của Việt Nam khi Việt Nam là một trong những nước phụ thuộc lớn vào nguyên liệu sản xuất, theo tính toán của Bloomberg.

Tổ chức ANZ dự báo GDP của Việt Nam trong quý I/2020 có thể bị mất 0,8% do ảnh hưởng từ dịch cúm corona.

Tương tự Trung Quốc, là một trong những nước chịu tác động kinh tế từ dịch bệnh, Việt Nam nhiều khả năng cũng có thể nới tăng trưởng tín dụng vượt mức đề ra nếu mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của Chính phủ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng Chính phủ cũng sẽ kích thích tài khóa, đẩy mạnh đầu tư công.

Bởi vậy, trong thời gian tới, KBSV kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và các nhóm xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi.

Virus corona “đe dọa” tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ ứng phó ra sao? - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Thị trường chứng khoán thường phục hồi sau dịch bệnh

Dữ liệu quá khứ cho thấy đối với các dịch bệnh trong quá khứ (SARS, Zika, Ebola, Swine Flu…), thị trường chứng khoán toàn cầu thường lao dốc mạnh tại thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát nhưng đều nhanh chóng hồi phục khi có thông tin dịch bệnh được kiểm soát. Cần lưu ý thêm, trong thời kì dịch bệnh SARS, thị trường lao dốc mạnh một phần cũng bởi tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư khi Mỹ cùng các đồng minh phát động cuộc chiến tấn công Iraq.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?