“Làm giàu không khó”: Một cổ phiếu dược tăng gần 84% trong ít ngày

Hiếm có một kênh đầu tư nào có thể cho lợi nhuận “khủng” như cổ phiếu, nhưng thông thường, lợi nhuận lớn cũng dễ đi kèm theo rủi ro cao.

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần trở nên bất lợi khi áp lực bán vẫn nặng nề trong khi lực cầu tỏ ra yếu thế hơn hẳn.

VN-Index kết phiên đánh mất tới 10,02 điểm tương ứng 1,07% còn 930,73 điểm trong khi HNX-Index cũng mất 0,94 điểm tương ứng 0,9% còn 103,97 điểm và UPCoM-Index mất 0,39 điểm tương ứng 0,7% còn 55,37 điểm.

Khối lượng giao dịch trên sàn HSX đạt 153,96 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 2.752,46 tỷ đồng. HNX-Index có 28,82 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 281,76 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM có 6,14 triệu cổ phiếu tương ứng 109,48 tỷ đồng.

Con số thống kê cho thấy, thị trường ngày 10/2 đã bị bao trùm trong sắc đỏ. Số lượng mã giảm giá lên tới 368 mã và có 35 mã giảm sàn, áp đảo so với 245 mã tăng và 42 mã tăng trần.

Phiên này chứng kiến sự bùng nổ của một số mã cổ phiếu như CTD, ROS, PGD, TRA. Các mã cổ phiếu này tăng trần và nằm trong nhóm những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index. Dù vậy, tác động từ nhóm này vẫn rất yếu ớt trước áp lực nặng nề mà một số mã lớn như BID, VCB, VHM, VIC, VRE, VNM tạo ra.

BID trong phiên hôm qua đánh mất 2.600 đồng xuống 49.100 đồng và theo đó “lấy cắp” của VN-Index tới 3,04 điểm. Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động tiêu cực từ VCB là 1,19 điểm và từ VHM là 0,78 điểm.

Cổ phiếu DNM của Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco trong phiên hôm qua điều chỉnh giảm 2,5% trong phút cuối, lùi về 15.600 đồng. Trong phần lớn thời gian giao dịch, mã này tăng giá và đã có chuỗi tăng trần ấn tượng trước đó.

Trong 7 phiên tăng giá liên tục của DNM từ ngày 30/1 đến ngày 7/2 thì có đến 6 phiên mã này tăng trần, từ mức giá 8.500 đồng tăng lên 15.600 đồng. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần, DNM đã tăng tới 83,5% giá trị. Song giai đoạn trước đó nữa, DNM lại hầu như không có thanh khoản.

Ngoài DNM thì nhiều cổ phiếu ngành dược khác trong thời gian vừa qua cũng được chú ý và tăng giá tốt do nhiều nhà đầu tư đánh giá, với bối cảnh dịch bệnh như hiện tại thì doanh thu các doanh nghiệp ngành dược sẽ tăng và các cổ phiếu ngành này sẽ hưởng lợi.

Có thể thấy, ngoài chứng khoán rất hiếm có một kênh đầu tư nào có thể cho lợi nhuận “khủng” như vậy, tăng gần gấp đôi tài khoản sau ít ngày. Thế nhưng, thông thường, lợi nhuận lớn cũng dễ đi kèm theo rủi ro lớn.

Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, VN-Index đang có dấu hiệu hình thành dao động đi ngang trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 920-922 điểm và vùng kháng cự 936-942 điểm trong ngắn hạn. Một sự phá vỡ tại 2 điểm cận này sẽ mở ra một nhịp biến động mới cho thị trường.

Chỉ số được dự báo sẽ giảm về kiểm định vùng hỗ trợ 920-922 điểm trong một vài phiên tới. Tại đây, thị trường được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục tăng điểm trở lại.

Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, vùng điểm trên bị xuyên thủng, chỉ số có thể sụt giảm về vùng hỗ trợ mạnh quanh 898 điểm trong ngắn hạn.

Theo BVSC, diễn biến dịch viêm phổi nCoV vẫn còn khá phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát nên rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường là điều vẫn cần phải tính đến.

Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện mở các vị thế mua trading tại các vùng hỗ trợ đã đề cập ở trên, trong đó tập trung nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu bluechips cơ bản tốt nhưng giá đang giảm về các vùng hỗ trợ ngắn hạn.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?