Nếu 2 tháng đầu năm 2019, ngân sách thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.458 tỷ đồng/ngày, thì 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày, giảm 150 tỷ đồng/ngày.
Đây là khẳng định của Tổng cục Hải quan về tác động trực tiếp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus corona gây nên. Theo đó, ước thu tháng 2/2020 từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 1/2020 (26.019 tỷ đồng).
Dịch viêm đường hô hấp cấp đang tác động lớn làm giảm thu ngân sách hàng trăm tỷ mỗi ngày
Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng đóng góp số thu lớn đều giảm so với tháng trước, như máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu, quặng,…
Tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 49.700 tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán, bằng 14,0% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 7,87% so với cùng kỳ năm 2019 (4.243 tỷ đồng). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số thu có xu hướng giảm dần.
Trong tháng 2/2020, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu giảm mạnh cả giá trị và số lượng nhập khẩu, trong đó xăng dầu giảm 20% về lượng, gần 23% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Máy móc, thiết bị và phụ tùng giả 3,7%, sắt thép nhập khẩu giảm hơn 8% về lượng và hơn 18% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng ô tô dù có tăng so với tháng 1/2020 song 2 tháng đầu năm vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước 60% về lượng và 57% về giá trị.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, đến ngày 17/02/2020, chưa phát sinh trường hợp cán bộ, công chức và người lao động bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Hiện nay, hoạt động của ba cục Hải quan Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh được Tổng cục Hải quan chỉ đạo rất nóng, trong đó đã lập ban hỗ trợ từng địa phương để hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp.
Tại một số chi cục Hải quan, lực lượng Hải quan cho phép lái xe thông quan hàng hoá mặc đồ bảo hộ, đi và về trong ngày và không tiếp xúc với người Trung Quốc.
Một số mặt hàng hoa quả, thuỷ sản của Việt Nam hiện vẫn được đưa lên biên giới chờ xuất sang Trung Quốc, trong đó có dưa hấu, thanh long. Các cơ quan chức năng như Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đang yêu cầu các doanh nghiệp có phương án kỹ tránh tập trung xuất khẩu ồ ạt sang cửa khẩu vì các cửa khẩu phụ, lối mở có lượng hàng thông qua rất ít.
Để giảm thiểu thiệt hại của doanh nghiệp, mới đây, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Tài chính phải có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó xem xét kế hoạch miễn, giảm, hoãn một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo thông tin mà Bộ Công Thương đưa ra, tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là rất lớn. Trong cuộc họp chiều 26/2 tại Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.
Các ngành tác động lớn nhất là sản xuất, vận tải (hàng không, đường biển) logistics, phân phối và dịch vụ du lịch…
Đại diện của Bộ Công Thương chỉ rõ, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Ngành dệt may, da giày cũng chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.
Đến cuối quý 1 năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.
An Linh
dantri.com