Khi virus Corona lây lan từ Vũ Hán, nhiều thành phố của Trung Quốc vắng lặng như một thị trấn ma. Có những dấu hiệu cho thấy tác động kinh tế có thể ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các thành phố trên khắp Trung Quốc đã trở thành “thị trấn ma” khi nỗi sợ hãi dần tăng lên do sự lây lan của virus chết người Corona. Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự bùng phát có thể giáng một đòn nặng nề vào đất nước đang trên con đường hồi phục kinh tế vốn đã mong manh này.
Khi virus đã phát tán từ thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc, các nhà chức trách đã thực hiện các biện pháp ngày càng mạnh mẽ để ngăn chặn virus giống như đại dịch Sars. Theo đó, hạn chế giao thông công cộng, đóng cửa các địa điểm giải trí và rút ngắn thời gian làm việc.
Virus Corona đang lây truyền nhanh chóng, một phần do sự xử lý sai lầm ban đầu của các quan chức ở tỉnh Vũ Hán và Hồ Bắc, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng ổn định tăng trưởng kinh tế vào năm 2020 sau khi ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chứng kiến sự tăng trưởng xuống mức thấp nhất trong vòng 29 năm vào năm 2019, do cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng với Mỹ.
Và giờ đây, quy mô kiểm soát của chính phủ, bao gồm hạn chế ở cả các vùng trong nước chưa báo cáo các trường hợp lây nhiễm, đã gây ra tác động sâu rộng đối với nền kinh tế, hơn cả so với dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) trong năm 2002-2003.
Tại Hained, một thành phố giữa Thượng Hải và Hàng Châu, các quan chức đã đến tận nhà vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán khuyên mọi người nên ở nhà và hủy bỏ các bữa tiệc gia đình. Rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, phòng karaoke, nhà mạt chược và nhà tắm công cộng được lệnh đóng cửa vô thời hạn.
Khu trung tâm thành phố giờ đây đặc biệt yên tĩnh, thậm chí các siêu thị – chỉ hoạt động trong thời gian ngắn – đang nhanh chóng cạn kiệt các mặt hàng thiết yếu như gạo.
Số người chết vì virus đã tăng lên trên 170 vào thứ Năm, với gần 8000 người bị nhiễm bệnh, các nhà chức trách y tế cho biết.
Mặc dù thành phố Hained vẫn chưa báo cáo một trường hợp nào bị nhiễm bệnh, nhưng các biện pháp phòng ngừa trước thành phố đã được chính quyền địa phương triển khai.
Chính thức, mới chỉ có 16 thành phố ở Hồ Bắc đã áp đặt các hạn chế đi lại, nhưng đường phố hiện ở hầu hết 700 thành phố và 20.000 thị trấn ở Trung Quốc đã rất heo hút.
Phong tỏa đường phố quy mô nhỏ đã mọc lên như nấm trên khắp đất nước, với việc các cộng đồng đô thị đóng cổng và các làng nông thôn cấm nhập cảnh với người không cư trú. Bộ Công an Trung Quốc đã phải ban hành một thông báo nhắc nhở mọi người rằng việc chặn đường công cộng mà không có sự cho phép thích hợp là bất hợp pháp.
Tại Handan, một thành phố cách Vũ Hán khoảng 800km, cư dân đã đổ xô đến các siêu thị để mua mì, rau và gạo sau khi hai trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên được xác nhận vào Chủ nhật. Một cửa hàng Walmart địa phương đã buộc phải giới hạn số lượng vật tư trên mỗi người mua (bao gồm giấm trắng được sử dụng để tiệt trùng).
Những chiếc khẩu trang cũng được bán sạch tại các hiệu thuốc của thành phố, trong khi thuốc cảm cúm bị thiếu hụt. Các cộng đồng dân cư trên toàn thành phố bắt đầu áp đặt các hạn chế, cấm xe hơi và người dân từ các khu vực khác vào. Hầu hết các nhà hàng, cửa hàng và quán cà phê đóng cửa, thành phố yên tĩnh lạ thường. Tại một số địa điểm mở cửa, khách hàng được yêu cầu phải trải qua kiểm tra nhiệt độ cơ thể trước khi bước vào.
Những tình huống tương tự đã diễn ra ở khắp Trung Quốc, không còn du lịch, không còn chi tiêu mua sắm và giải trí.
Tại thủ đô Bắc Kinh, chỉ có một vài xe hơi hoặc người đi lại trên các đường phố thường trước đây từng rất nhộn nhịp. Mặt nạ, gel khử trùng và thuốc xịt đã biến mất nhanh chóng trên các kệ hàng siêu thị. “Chúng tôi đã bán hết từ lâu”, một nhân viên bán hàng cho biết.
Trên tàu cao tốc G14 từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, tuyến đường sắt cao tốc bận rộn nhất của đất nước 2 tỷ dân, chỉ 1/5 số ghế có người ngồi vào ngày 25/1. Tại Thượng Hải, tất cả các nhà máy và công trình xây dựng đã đình chỉ hoạt động cho đến ngày 10/2.
Trong khi chưa có con số cụ thể đo lường mức giảm tiêu thụ và sản xuất, có những dấu hiệu cho thấy thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn so với dịch Sars.
Các nhà kinh tế của Nomura dẫn đầu đã viết trong một ghi chú vào hôm thứ Tư rằng Virus Corona của Vũ Hán có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế mạnh hơn cả đại dịch SARS hồi năm 2003. Họ lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Trung Quốc trong quý đầu năm 2020 có thể bị kéo xuống nhiều hơn hơn 2 phần trăm từ mức ước tính 6% ban đầu.
Thùy Dung
Theo Scmp