Tâm lý bất ổn của giới đầu tư vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng xấu đến diễn biến của thị trường chứng khoán. Tổng thiệt hại vốn hoá kể từ sau Tết đã lên tới hơn 325.000 tỷ đồng (14 tỷ USD).
Diễn biến tiêu cực của dịch cúm Covid-19 khiến giới đầu tư rời bỏ các tài sản rủi ro như cổ phiếu để tìm đến các kênh đầu tư được đánh giá là an toàn hơn như trái phiếu và vàng
Phiên giao dịch 26/2, các chỉ số tiếp tục diễn biến rất tiêu cực trong buổi chiều. VN-Index rơi mạnh, đánh mất 13,7 điểm, tương ứng 1,51% còn 895,97 điểm, mốc 900 điểm một lần nữa đã không thể giữ được.
Theo quan sát của PV Dân Trí, với diễn biến rất tiêu cực của thị trường chứng khoán kể từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, vốn hoá thị trường đã bị sụt giảm rất mạnh. Chỉ riêng sàn HSX, 325.678 tỷ đồng (tương ứng khoảng hơn 14 tỷ USD) vốn hoá thị trường đã bị cuốn trôi, một mức thiệt hại rất lớn.
Trở lại với phiên hôm qua, HNX-Index có lúc đạt được trạng thái tăng nhưng vẫn phải kết phiên giảm nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,05% còn 106,61 điểm, trong khi UPCoM-Index giảm 0,19 điểm tương ứng 0,34.
Thanh khoản đạt 142,58 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 2.987,92 tỷ đồng và 52,89 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 518,11 tỷ đồng. Con số này trên UPCoM là 8,65 triệu cổ phiếu tương ứng 110,71 tỷ đồng.
Thị trường bị bao phủ bởi một sắc đỏ với 389 mã giảm giá, 38 mã giảm sàn, trong khi bên phía tăng giá chỉ có 259 mã và có 44 mã tăng trần.
Trong phiên này chứng kiến sự sụt giảm mạnh tại một số mã có vốn hoá lớn: GAS đánh mất tới 3.100 đồng, VNM giảm 3.000 đồng; VHM giảm 2.200 đồng, VJC giảm 2.000 đồng; BID giảm 1.800 đồng, VCB giảm 1.200 đồng, VIC giảm 1.100 đồng, SAB giảm 1.000 đồng…
Theo đó, với quy mô vốn hoá lớn, VHM và BID là những cổ phiếu gây thiệt hại nặng nề nhất cho VN-Index, lần lượt lấy đi của chỉ số 2,14 điểm và 2,1 điểm. Mức thiệt hại do GAS, VNM, VCB, VIC gây ra cũng rất đáng kể và dễ hiểu khi chỉ số bị gây áp lực lớn.
Đáng chú ý là giữa lúc diễn biến thị trường bất lợi thì YEG tăng trần 3.400 đồng lên 52.700 đồng. Tại mã này không có dư bán cuối phiên và dư mua giá trần còn hơn 86 nghìn cổ phiếu.
Trên HNX, SHB cũng tăng trần 700 đồng lên 8.000 đồng/cổ phiếu và cũng không còn dư bán. Mặc dù khớp lệnh ở mã này rất cao, đạt trên 30,5 triệu đơn vị nhưng vẫn còn dư mua giá trần hơn 11 triệu cổ phiếu.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index đang tiếp cận vùng hỗ trợ 891-895 điểm. Chỉ số cần cho phản ứng hồi phục từ vùng điểm này, đồng thời vượt lên trở lại ngưỡng 910 điểm để có thể mở ra cơ hội hồi phục tăng điểm trở lại trong tuần tới.
Mặc dù vậy, BVSC cũng cảnh báo rằng, nếu tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ này, chỉ số sẽ đối mặt với nguy cơ hình thành nhịp sụt giảm mới trong ngắn hạn với đích đến tiếp theo nằm tại vùng hỗ trợ mạnh trung hạn 860-870 điểm trong thời gian tới.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là việc dịch bệnh đang có dấu hiệu lan nhanh và chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại Hàn Quốc có thể sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại cũng đang khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên lo ngại và có thể tạo thêm lực cản đối với nỗ lực hồi phục của thị trường.
Do vậy, chiến lược đầu tư ở thời điểm này chính là duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng.
Trong khi đó, nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát thêm các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của thị trường.
Mai Chi