Kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều mối lo hơn trong năm 2020

Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam năm 2020 tiếp tục có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức và mối lo từ cả bên trong và bên ngoài.

Tại hội thảo Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” – Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020 do Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức chiều 6/1, các chuyên gia đánh giá năm nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều thuận lợi. Doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước thấp so với thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thị trường ngoại hối cũng đang được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá đồng USD chững lại.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức đang chờ đợi Việt Nam như điểm nghẽn trong đầu tư cơ sở hạ tầng; làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ, EU.

Kinh tế Việt Nam đã xác lập một mặt bằng tăng trưởng mới so với giai đoạn trước. Ảnh: Lê Quân.

Theo dự báo của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển ĐH Fulbright Việt Nam, năm 2020 là thời điểm quan trọng để đánh giá liệu dòng vốn đầu tư được mong đợi chuyển dịch từ Trung Quốc và các nước châu Á khác vào Việt Nam có thật sự đến hay không.

Chuyên gia của ĐH Fulbright dẫn số liệu của một công ty tư vấn cho biết tất cả các khu công nghiệp năm 2019 đều tăng giá thuê 10-50% với dự đoán, từ đó cho thấy có sự chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam mới dừng lại ở mức độ tìm hiểu cơ hội chứ chưa ký kết hợp đồng.

“2020 là năm dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài thực chất sẽ báo hiệu cho dài hạn liệu thật sự các doanh nghiệp có đặt cược vào Việt Nam hay không trong việc chuyển dịch”, ông Nguyễn Xuân Thành dự đoán.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều mối lo hơn năm 2019. Ông nhấn mạnh nếu nhìn vào một số chỉ số tăng trưởng rất tốt trong năm 2019 nhưng đến quý IV đã có dấu hiệu chững lại.

TS Võ Trí Thành đánh giá về cơ bản, mục tiêu lạm phát năm 2020 sẽ chịu nhiều áp lực hơn 2019 và mức tăng trưởng kỳ vọng 6,8% trong năm nay là phù hợp.

Nhận định về các ngành kinh tế có tiềm năng phát triển trong năm 2020, ông cho rằng xu hướng trong 3 năm gần đây, một số lĩnh vực được các nhà đầu tư lớn trên thế giới đầu tư là du lịch và lưu trú, giáo dục, năng lượng tái tạo, logistics, trung tâm dữ liệu.

Trong khi đó, GS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, tất cả lĩnh vực liên quan đến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) là những ngành có thể phát triển bùng nổ sắp tới.

Trích nguồn

Việt Đức 15:15 ngày đăng: 07/01/20 20

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?