Dầu WTI sụt hơn 9% khi nhà đầu tư cân nhắc báo cáo về thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Năm (09/04), xóa sạch đà tăng 13% trước đó, khi nhà đầu tư cân nhắc báo cáo về thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ mà một số người tin rằng sẽ không đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nền đến nền kinh tế.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã đồng ý cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020, Wall Street Journal đưa tin. Ả-rập Xê-út và Nga mỗi nước sẽ giới hạn mức sản lượng ở mức 8.5 triệu thùng/ngày, với tất cả các thành viên đồng ý cắt giảm nguồn cung 23%, Bloomberg đưa tin.

Báo cáo chi tiết về cắt giảm sản lượng riêng lẻ của mỗi quốc gia không rõ ràng và OPEC không chính thức đưa ra thông báo về việc cắt giảm. Amena Bakr, Phó Chánh Văn phòng tại Energy Intelligence, người đã đăng những cập nhật trực tiếp về cuộc họp trên Twitter, cũng tweet rằng OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng.

“Họ đồng ý điều chỉnh giảm sản lượng dầu chung là 10 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ ngày 01/05/2020, trong khoảng thời gian ban đầu là 2 tháng. Trong giai đoạn tiếp theo từ tháng 7 đến tháng 12/2020 là một sự điều chỉnh 8 triệu thùng/ngày và sau đó là 6 triệu thùng/ngày trong tổng thời gian từ tháng 01/2021 đến tháng 4/2022”, Bakr tweet.

“10 triệu thùng/ngày là thấp hơn rất nhiều so với những gì mà thị trường cần lúc này”, Bjørnar Tonhaugen, Giám đốc thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, nhận định.

Nhà đầu tư dự báo giá dầu thô sẽ tăng vào ngày thứ Tư (08/04) với kỳ vọng về một thỏa thuận giữa Ả-rập Xê-út và Nga, điều sẽ dẫn đến động thái cắt giảm hàng ngày từ OPEC+.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex rớt 2.33 USD (tương đương 9.3%) xuống 22.76 USD/thùng sau khi dao động tại mức cao 28.36 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 19.7%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Thị trường sẽ đóng cửa vào ngày thứ Sáu (10/04) để nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 1.36 USD (tương đương 4.1%) còn 31.48 USD/thùng sau khi chạm đỉnh trong phiên là 36.40 USD/thùng. Hợp đồng này đã sụt 7.7% trong tuần qua.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet rằng ông kỳ vọng Ả-rập Xê-út và Nga sẽ cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày đến 15 triệu thùng/ngày.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã “bốc hơi” gần 63%, còn giá dầu Brent rớt hơn 52%.

Nhu cầu dầu suy giảm dẫn đến dự báo năng suất dự trữ toàn cầu sẽ sớm lấp đầy. Phân tích từ Rystad Energy cho thấy tổng trữ lượng dầu thương mại tại Mỹ đạt khoảng 653.4 triệu thùng, hoặc khoảng 780 triệu thùng bao gồm cả đường ống dẫn và dầu thô đang vận chuyển.

Giá dầu giảm sâu cũng ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ và đe dọa phá hủy các nhà sản xuất dầu khí gánh nhiều nợ nếu giá không sớm ổn định.

Vào ngày thứ Năm, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm tuần tứ 4 liên tiếp, mất 58 giàn còn 504 giàn trong tuần này.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 5 hạ 0.1% xuống 67.73 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 rớt 3.8% xuống 97.26 xu/gallon.

Các hợp đồng khí thiên nhiên suy giảm trong ngày thứ Năm khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên vọt 38 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 03/04/2020, cao hơn hơn so với dự báo tăng 25 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 giảm 2.8% xuống 1.733 USD/MMBtu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?