Để xoa dịu tác động từ Covid-19, G20 cam kết “làm mọi việc có thể” và sẽ bơm 5.000 tỷ USD duy trì việc làm, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong cuộc họp hôm qua (26/3), lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn G20 cam kết bơm hơn 5.000 tỷ USD vào kinh tế toàn cầu để hạn chế tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập vì Covid-19. Con số này tương đương số tiền G20 đã bơm ra nhằm kích thích nền kinh tế năm 2009.
Họ khẳng định sẽ làm “mọi việc có thể để vượt qua đại dịch”. Các nước cũng cam kết duy trì dòng chảy nguồn cung thiết bị y tế và hàng hóa thiết yếu, đồng thời giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong cuộc họp, các lãnh đạo G20 cũng bày tỏ lo ngại với các nước và nhóm người dễ tổn thương, như châu Phi và người nhập cư. Họ nhấn mạnh nhu cầu củng cố an toàn tài chính toàn cầu và hệ thống y tế quốc gia.
Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz chủ trì cuộc họp trực tuyến của G20 hôm qua. Ảnh: Reuters |
Cuộc họp hôm qua diễn ra với rất ít mâu thuẫn, bất chấp cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, Reuters trích lời một quan chức Brazil cho biết. “Mọi người đều hiểu rằng duy trì việc làm, dòng chảy thương mại, tránh gián đoạn chuỗi cung ứng là điều quan trọng”, người này nói.
Trong cuộc họp báo sau đó tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết các nước G20 đã “thể hiện mạnh mẽ tinh thần vượt qua khó khăn”. Ông cho biết G20 vẫn thông báo cho nhau về các nỗ lực chống đại dịch. “Chúng tôi giải quyết bằng những cách khác nhau một chút, nhưng có sự thống nhất cao”, ông nói.
Các lãnh đạo G20 cũng đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Nhóm Ngân hàng Thế giới “hỗ trợ các quốc gia cần trợ giúp bằng cách sử dụng tối đa mọi công cụ”. Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva muốn đề nghị ban lãnh đạo IMF cân nhắc tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các nước đang phát triển đối phó đại dịch. Chương trình này hiện có quy mô 50 tỷ USD.
Đến nay, đại dịch đã khiến hơn 500.000 trên toàn cầu lây nhiễm và gần 24.000 người tử vong, có khả năng châm ngòi cho suy thoái toàn cầu. G20 cũng bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trước tình hình này.
Hà Thu (theo Reuters)