Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi loạt dữ liệu kinh tế mới để tìm kiếm dấu hiệu sớm về qui mô tác động của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trọng tâm chú ý sẽ tiếp tục là phản ứng của chính phủ và các ngân hàng trung ương (NHTW) trong bối cảnh thị trường lo sợ các biện pháp kích thích kinh tế được công bố cho đến nay chưa đủ để bù đắp thiệt hại do đại dịch gây ra.
Dưới đây là các sự kiện nổi bật trong tuần tới theo tổng hợp từ Investing.
1. Tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 qua loạt dữ liệu mới
Không có nhiều người nghi ngờ về khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, khi mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng lệnh phong tỏa qui mô lớn để ngăn chặn COVID-19 lây lan.
Do đó, nhiều khả năng chỉ số PMI sớm của Mỹ, khu vực Eurozone và Anh (dự kiến công bố trong tuần này) sẽ giảm mạnh.
Các khảo sát PMI thường được thực hiện trong nửa cuối tháng và dữ liệu PMI sớm được thu thập một tuần trước khi dữ liệu chính thức được công bố.
Các nhà kinh tế cho rằng chỉ số PMI chính thức phát hành vào tuần sau sẽ cho nhà đầu tư cái nhìn toàn diện hơn về tác động của đại dịch COVID-19 so với dữ liệu sơ bộ tuần này.
Trong khi đó, số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp của Mỹ (dự kiến công bố ngày 26/3) sẽ là chỉ số đầu tiên cho thấy ảnh hưởng của đại dịch lên thị trường việc làm Mỹ. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs ước tính số hồ sơ yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên mức kỉ lục là 2,25 triệu.
2. Chính quyền Tổng thống Trump ứng phó với đại dịch như thế nào?
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ hôm 21/3 đã tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận về gói trợ cấp thứ ba trị giá hơn 1.000 tỉ USD nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế của đại dịch COVID-19 đối với công nhân và giới doanh nghiệp.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết ông hi vọng gói cứu trợ cuối cùng sẽ có trị giá trong khoảng 1.300 – 1.400 tỉ USD.
Theo các quan chức Nhà Trắng, cùng với nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính quyền Tổng thống Trump, gói cứu trợ đầy tiềm năng trên có thể lên đến 2.000 tỉ USD.
3. Nỗ lực tăng thanh khoản đồng USD
Việc thanh khoản đồng USD bị siết chặt đã thúc đẩy Fed bơm thêm thanh khoản vào hệ thống thông qua các thỏa thuận với Ngân hàng Trung ương Canada (BoC), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB).
Để biết liệu các bước đi của Fed có mang lại hiệu quả, nhà đầu tư buộc phải theo dõi liệu tỷ giá USD trong vài ngày tới có ổn định trở lại hay không.
Nhu cầu đối với đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới đã tăng vọt trong bối cảnh nhà đầu tư tìm đến tiền mặt do lo ngại đại dịch COVID-19 kéo dài. Dù vậy, thanh khoản đồng USD lại không ổn định do cung – cầu bất đối xứng.
4. Đồng nội tệ của các thị trường mới nổi điêu đứng
Hàng loạt tài sản của các thị trường mới nổi đều bị kìm hãm, trong đó đồng nội tệ giảm xuống mức thấp kỉ lục, trái phiếu lao dốc và giá cổ phiếu giảm gần 10% trong tuần qua.
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên thực trạng đó như đồng USD quá mạnh, triển vọng kinh tế mù mịt, giá dầu thô lao dốc và chi phí đi vay tăng vọt.
Ở các thị trường mới nổi, nhà hoạch định chính sách không có đủ hỏa lực để có thể hỗ trợ đồng nội tệ hoặc khó có thể hạ lãi suất. Do đó, NHTW của các thị trường này dường như không đủ sức để chấm dứt cuộc khủng hoảng đè nặng lên đồng nội tệ của họ.