Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 20/4 – 24/4

Trong tuần này, dữ liệu kinh tế mới sẽ cho nhà đầu tư biết thêm thông tin chi tiết về tác động của đại dịch COVID-19, dù vậy mối quan tâm chính trên thị trường ngoại hối vẫn sẽ là diễn biến của đại dịch và thời điểm các nước mở cửa lại nền kinh tế.
 

1. Một số tiểu bang tại Mỹ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa

Ngày 18/4, Tổng thống Donald Trump cho biết hai bang Texas và Vermont sẽ cho phép một số doanh nghiệp nhất định mở cửa trở lại vào ngày 20/4, song song với việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Phong trào biểu tình yêu cầu chấm dứt lệnh giãn cách xã hội đã lan sang Texas vào ngày 18/4. Ông Trump dường như đang khuyến khích phong trào biểu tình thông qua một loạt bài đăng trên Twitter từ ngày 17/4, kêu gọi chính quyền các bang Michigan, Minnesota và Virginia “giải phóng” người dân.

Trước đó, ông Trump từng nhiều lần tuyên bố một nền kinh tế thịnh vượng sẽ là bàn đạp vững chắc nhất cho nhiệm kì thứ hai tại Nhà Trắng.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 20/4 - 24/4: Mỹ rục rịch nới lỏng phong tỏa, các nền kinh tế đón nhận dữ liệu kém vui vì COVID-19 - Ảnh 1.

Một số tiểu bang như Ohio, Michigan, Texas và Florida cho biết họ đặt mục tiêu mở cửa một phần nền kinh tế vào ngày 1/5 hoặc thậm chí sớm hơn. Dù vậy, theo Reuters thì các bang này dường như vẫn đang thận trọng.

Phó Tổng thống Mike Pence hôm 17/4 cho hay chính phủ Mỹ có thể cung cấp đủ lượng kit xét nghiệm cho các tiểu bang để quá trình mở cửa trở lại chuyển sang giai đoạn hai. Tuy nhiên, thống đốc và quan chức y tế các bang nhận định khó mà có đủ số lượng kit xét nghiệm cần thiết.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 720.000 ca nhiễm và hơn 37.000 ca tử vong do COVID-19.

2. Số liệu thất nghiệp của Mỹ có thể giảm xuống

Theo Investing.com, số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục chững lại trong tuần này khi mà phản ứng ban đầu với lệnh phong tỏa qui mô lớn bắt đầu dịu bớt.

Trong tháng trước, có hơn 22 triệu người dân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp do doanh nghiệp và trường học đóng cửa khiến nhiều người phải tạm thời thất nghiệp.

Số đơn đặt hàng bền (durable goods orders) của Mỹ cũng được dự đoán sẽ giảm mạnh vì sản lượng công nghiệp và giá dầu thô đều đi xuống thời gian gần đây.

Ngoài ra, trong tuần này chính phủ Mỹ còn công bố thêm doanh số bán nhà mới và hiện có, cũng như dữ liệu PMI.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển sang chế độ “im lặng” trước thềm cuộc họp chính sách vào ngày 29/4 tới.

3. Khu vực Eurozone công bố chỉ số PMI

Số liệu PMI của nền kinh tế đồng tiền chung euro trong tháng 4 (công bố ngày 23/4) được cho là sẽ rất tăm tối.

Chỉ số PMI tổng hợp, bao gồm cả dịch vụ lẫn sản xuất, của khu vực Eurozone đã giảm xuống mức thấp kỉ lục 29,7 điểm vào tháng trước – mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ khi khảo sát được tiến hành từ tháng 7/1998.

Ngoài chỉ số PMI, chỉ số ZEW và Ifo của Đức sẽ làm rõ hơn sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất khối trong bối cảnh Đức đang chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa.

Các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhóm họp vào ngày 23/4 để tiếp tục thảo luận về hướng cứu trợ nền kinh tế chung. Ý tưởng “trái phiếu corona” nhiều khả năng sẽ tái xuất trên bàn đàm phán, tuy nhiên khả năng được thông qua là rất thấp.

4. Anh tiết lộ “cú đánh” đầu tiên của đại dịch đối với nền kinh tế

Qui mô và tốc độ suy thoái kinh tế tại Anh trong đại dịch COVID-19 có thể lớn và nhanh hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009.

Một số nhà kinh tế dự đoán doanh số bán lẻ (công bố ngày 23/4) sẽ giảm khoảng 10%, tuy nhiên dựa theo các dữ liệu trước đó, con số này có thể tụt mạnh hơn. Chỉ số PMI cũng dự kiến sẽ lao dốc.

Ngoài ra, Anh còn công bố báo cáo thất nghiệp và lạm phát trong tuần này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?