Hàng loạt công ty tư nhân Trung Quốc cắt giảm, hoãn hoặc không trả lương cho nhân viên do ảnh hưởng của dịch virus corona (Covid-19) bùng lên từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Để ngăn chặn virus corona lây lan, chính quyền Trung Quốc và công ty lớn khuyến khích người lao động làm việc tại. Tại khắp Trung Quốc, các trung tâm mua sắm và nhà hàng vắng hoe, công viên giải trí và rạp chiếu phim đóng cửa, các tour du lịch bị hủy bỏ.
Các biện pháp kiềm chế dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Theo Bloomberg, với việc các lớp học bị hủy, nhân viên trường đào tạo code và robot học ở Hàng Châu bị cắt giảm 30-50% lương.
Công viên giải trí Lionsgate Entertainment World ở Chu Hải đóng cửa đồng nghĩa với việc nhân viên được yêu cầu sử dụng hết ngày nghỉ có lương và sẵn sàng chịu đựng kỳ nghỉ không lương.
Cảnh hoang vắng ở Vũ Hán vì dịch virus corona. Ảnh: Getty Images.Ảnh: Getty Images.
Bị cắt lương ồ ạt
“Một tuần nghỉ không lương là điều vô cùng đau khổ”, Bloomberg dẫn lời anh Jason Lam – 32 tuổi, đầu bếp một nhà hàng cao cấp ở khu Tiêm Sa Chủy tại Hong Kong – cho biết. “Tôi không có thu nhập để trang trải chi tiêu trong tháng này”.
Hàng loạt công ty ở khắp Trung Quốc thông báo rằng các nhân viên bị cách ly hoặc không thể đi làm sẽ không được nhận lương, hoặc bị cắt giảm thu nhập. Một khảo sát của trang web Zhaopin với hơn 9.500 người lao động cho thấy hơn 1/3 đang rất lo ngại nguy cơ bị cắt hoặc giảm lương.
Bloomberg bình luận tình trạng này là bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động nghiêm trọng của dịch virus corona đối với khối tư nhân, khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế Trung Quốc, biệt là với các công ty nhỏ.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi hoạt động tuyển dụng đóng băng tại Trung Quốc. Zhaopin ước tính số hồ sơ xin việc được nộp trong tuần đầu tiên sau khi dịch virus corona bùng phát trong tháng 1 giảm tới 83% so với năm 2019.
“Dịch virus corona có thể ảnh hưởng tới tiêu dùng ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn dịch SARS 17 năm trước đây”, nhà kinh tế Chang Shu của Bloomberg nhận định.
Nhiều lao động Trung Quốc đối mặt với tình trạng bị cắt giảm lương. Ảnh: Getty Images.
Theo luật, các công ty Trung Quốc phải trả đủ lương tháng 2 cho nhân viên trước khi cắt giảm xuống mức tối thiểu, theo chuyên gia Edgar Choi, tác giả cuốn Luật thương mại trong một phút. Doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính được phép hoãn trả lương với điều kiện nhân viên sẽ được nhận toàn bộ số lương bị nợ.
Ông Choi cho biết hàng nghìn công nhân nước ngoài khẳng định họ bị cắt giảm 50%, thậm chí 100% lương tháng 2. “Đó là hành vi bất hợp pháp. Nhiều công nhân là người nước ngoài, không biết tiếng Trung. Họ dễ dàng bị chủ lao động bắt nạt”, ông nhấn mạnh.
Cuộc sống sẽ trở nên rất khó khăn
NIO, một nhà sản xuất ôtô điện có trụ sở tại Thượng Hải, hoãn trả lương trong một tuần. Chủ tịch William Li cũng khuyến khích nhân viên nhận cổ phiếu thay cho tiền mặt.
Tại nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, công nhân trở về sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán được cách ly trong ký túc xá trước khi trở lại làm việc. Họ được trả tiền, nhưng chỉ bằng một phần ba số thu nhập có thể kiếm được nếu làm việc.
Chuyên gia Shu cảnh báo với thu nhập giảm và tâm lý ngại ra đường, người tiêu dùng Trung Quốc có thể cắt giảm tiêu dùng ở một số lĩnh vực xuống con số 0.
Và tình trạng đó có thể kéo dài. “Nếu ngừng uống cà phê latte hàng ngày trong 2 tháng thì sau đó bạn có thể sẽ bỏ vĩnh viễn đồ uống này”, nhà kinh tế của Bloomberg lý giải.
Các chuyên gia nhận định với nguồn lực hạn chế và thiếu nền tảng công nghệ, nhóm doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đối mặt với rất nhiều khó khăn. Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi các ngân hàng nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ vay với lãi suất thấp hơn.
Thu nhập giảm, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Ảnh: NYT.
Trường đào tạo code và robot học ở Hàng Châu đình chỉ tất cả các lớp học cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Mất nguồn thu, trường sẽ giữ lại 50% lương của các nhân sự cấp cao và 30% của các nhân viên khác cho đến khi mở cửa trở lại.
Rick Zeng, quản lý công viên giải trí Lionsgate ở Chu Hải, cho biết công viên ngừng hoạt động theo lệnh của chính phủ kể từ cuối tháng 1. Bắt đầu từ tuần tới, một số nhân viên sẽ phải nghỉ phép không lương.
Ở Phúc Châu, giám đốc khách sạn Robert Zhang kể chỉ 2-3 trong số 100 phòng của khách sạn này có khách. Khoảng 2/3 nhân viên bị giảm lương. “Nếu dịch bệnh kéo dài và du lịch không hồi phục trong 3-4 tháng tới, cuộc sống của nhân viên khách sạn sẽ trở nên rất khó khăn”, ông nói.
NGÀY ĐĂNG 07:00 20/02/2020