Doanh nghiệp kiệt quệ vì Covid-19: Cơ hội để điều chỉnh lại chi tiêu ngân sách?

Trước tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhiều DN đứng bên bờ phá sản, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 về những giải pháp cấp bách, trong đó có việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách, nhưng về lâu dài là cơ hội để Chính phủ điều chỉnh lại chi tiêu.

Bộ Tài chính đề xuất gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 do virus corona.

Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trước tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, thì gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được thông qua là cần thiết. Trước mắt, nguồn thu ngân sách sẽ bị sụt giảm, nhưng về lâu dài ngoài việc hỗ trợ nền kinh tế nước nhà, đây lại là một cơ hội để Chính phủ điều chỉnh chi tiêu ngân sách làm sao cho tiết kiệm.

Nuôi dưỡng nguồn thu

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, trong trường hợp Chính phủ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế, hoặc hoãn thuế thì đều ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách trong từng thời gian. Ví dụ như nếu hoãn thuế hay dãn thuế cho doanh nghiệp trong một thời gian rồi mới thu sẽ làm hụt thu cho kế hoạch đã tính toán cho từng quý, cho cả năm. Tương tự, nếu miễn giảm thuế chắc chắc sẽ làm hụt nguồn thu ngân sách. Nhưng điều đó là cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi phần lớn nền kinh tế đang bị kiệt quệ bởi dịch Covid-19.

Vào lúc này doanh nghiệp quá khó khăn, ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động, hàng triệu hộ kinh doanh thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ giảm bớt đi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, số hộ kinh doanh đóng cửa, sau đó gây ra những tổn hại lớn cho người dân, bởi vì thu ngân sách chủ yếu cũng là nguồn thuế của doanh nghiệp.

“Đây cũng là cách để nuôi dưỡng lại nguồn thu, lúc người nộp thuế khó khăn thì những đơn vị thu thuế phải hỗ trợ lại, khi họ vượt qua được mới có cơ hội đóng thuế tiếp, nếu để họ chết bây giờ thì mất nguồn thu ngân sách cho nhà nước, không phải chỉ trước mắt mà có thể về lâu dài. Bởi vì một khi đã đóng cửa, ngừng hoạt động thì việc hồi phục lại là rất khó”, bà Chi Lan cho hay.

Theo bà Lan, ngoài quan tâm đến doanh nghiệp lớn và tương đối lớn của những ngành đang bị tổn hại, Chính phủ cũng nên dành sự chú ý cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, vì họ sống cùng trong lĩnh vực hoặc cộng sinh những lĩnh vực chủ chốt đang bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Đơn cử như ngành du lịch, không phải chỉ hàng không, các công ty du lịch, khách sạn lớn bị ảnh hưởng, mà còn rất nhiều hộ kinh doanh gia đình đang hoạt động từ nhà cho thuê; nhà hàng; cung ứng thực phẩm; xe cộ, vận tải; bán hàng lưu niệm… đều sống dựa vào ngành du lịch cũng đang đối diện với khó khăn. Nhóm ngành này tuy nhỏ về quy mô nhưng rất nhiều về số lượng, nên khi bỏ qua việc hỗ trợ kinh tế cho họ cũng sẽ gây ra tác động xấu cho quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 do virus corona.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho rằng trong lúc tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc hỗ trợ doanh nghiệp có thể tồn tại được là rất quan trọng. Nếu để họ kiệt quệ về tài chính trong lúc này, cuối cùng Chính phủ cũng mất nguồn thu.

Ông Hiếu đánh giá, ngân sách rất giới hạn, nhất là đang ở tình trạng bội chi, nên việc đưa ra gói hỗ trợ kinh tế 30.000 tỷ để hỗ trợ các doanh nghiệp miễn thuế, giảm thuế dĩ nhiên là ảnh hưởng tới thu ngân sách, nhưng đó là việc làm cần thiết.

Cách tích cực nhất để nhà nước đỡ khó khăn trong lúc này là phải tiết kiệm, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, tiết kiệm đầu tư công.

Cơ hội để Chính phủ điều chỉnh lại ngân sách

Để Chính phủ vượt qua khó khăn, cân bằng ngân sách trong bối cảnh giảm thu hiện tại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cách tích cực nhất để nhà nước đỡ khó khăn trong lúc này là phải tiết kiệm, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, tiết kiệm đầu tư công.

“Các dự án đầu tư hiện tại chưa thật cần thiết thì đừng làm vội, những dự án dù đã vào quy hoạch, nhưng mà quy hoạch dài hạn chưa nên đưa ra tính, hoặc là khởi động vào lúc này. Bởi vì thời gian vừa qua có rất nhiều dự án khủng mà cứ muốn đưa ra bàn, kể cả những dự án mà 20-30 năm nữa cũng đã có một số Bộ ngành muốn tiến hành làm ngay, như vậy là không hợp lý, bởi số tiền đó nên dùng để kích thích nền kinh tế hiện tại đang khó khăn bởi dịch Covid-19”, bà Lan phân tích.

Vị chuyên gia kinh tế này đánh giá, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam là một cơ hội nữa cho nhà nước thực hiện phương châm của mình về điều chỉnh ngân sách làm sao cho tiết kiệm. Lâu nay, Việt Nam thường hay quan tâm tăng thu nhưng yếu tố giảm chi cần thiết cho ngân sách lại ít được chú trọng kể cả chi tiêu thường xuyên và chi tiêu đầu tư phát triển.

“Lấy ví dụ như việc Thủ tường vừa có chỉ thị không đi công tác nước ngoài vào lúc này thì đúng, vì không thật cần thiết thì không nên đi, vừa tốn tiền ngân sách vừa không đúng lúc vì cả nước đang lo về dịch Covid-19. Chính phủ đang mong muốn một mặt tích cực chống dịch Covid-19, một mặt phát triển kinh tế thì nên tập trung vào những việc ở nhà, dồn toàn lực để dập dịch và phát triển kinh tế”, bà Chi Lan nói.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm chi của Chính phủ có hai khoản: chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đối với chi thường xuyên, Chính phủ phải xem xét những chi phí nào mà thật sự không cần thiết, kể cả giảm biên chế. Vì cỗ máy hành chính của chúng ta rất cồng kềnh, thành ra những chi phí trả lương cho cán bộ, công chức, liên quan đến hoạt động của Chính phủ, những mảng nào mà không cần thiết hoặc thứ yếu thì cắt giảm.

Đối với chi đầu tư cũng vậy, Chính phủ cần nhìn lại ngân sách đầu tư công, những đầu tư nào lãng phí thì cần nhìn nhận lại, rà soát lại xem những khoản chi phí nào có thể hoãn lại được, giảm được thì nên xem xét hợp lý.

“Cũng như là người bị nhiễm Covid-19, bây giờ cần liều thuốc chữa ngay những người đang bị bệnh, còn vấn đề phục hồi sức khỏe cho họ thì tình sau, phải giữ được mạng thì mới tính đến phương án hồi phục được. Vấn đề giải quyết kinh tế cũng vậy, những chi phí thường xuyên, đầu tư của Chính phủ mang tính dài hạn, không cần thiết thì dừng lại, dùng tiền đó để cứu doanh nghiệp đã, doanh nghiệp có sống được thì mới có tiền nộp thuế cho ngân sách”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát đề xuất Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền giảm một số khoản phí, lệ phí là đầu vào của sản xuất, kinh doanh.

Theo tính toán, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 30.000 tỷ đồng và dự kiến thời điểm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ áp dụng ngay khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020.

Theo Quỳnh Dân

Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?