Sáng nay 15/1, giá USD tại ba ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV điều chỉnh tăng khá mạnh.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cho ngày hôm nay (15/1) ở mức 23.158 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.853 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.463 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.803 đồng (tăng 1 đồng so với phiên liền trước).
Trong khi đó, giá USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh khá mạnh vào sáng nay.
Tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh
Cụ thể khảo sát lúc đầu giờ sáng, Vietcombank điều chỉnh tăng 15 đồng với giá mua vào 23.095 đồng (bằng tiền mặt), 23.125 đồng (chuyển khoản) và bán ra ở mức 23.245 đồng.
BIDV cũng tăng tỷ giá thêm 15 đồng và đang niêm yết như của Vietcombank nhưng giá mua USD tiền mặt và chuyển khoản tương đương mức 23.125 đồng còn bán ra ở 23.245 đồng.
Ngược lại, VietinBank giảm 13 đồng chiều mua vào nhưng tăng 15 đồng chiều bán ra, hiện niêm yết USD ở mức 23.097 – 23.245 đồng/USD.
Trong khi 3 “ông lớn” là Vietcombank, VietinBank, BIDV điều chỉnh tăng khá mạnh tỷ giá USD/VND vào sáng nay thì ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, giá chưa có thay đổi. Tại Sacombank, giá USD giao dịch tiền mặt mua vào ở mức 23.074 đồng và bán ra ở mức 23.236 đồng; còn giao dịch chuyển khoản thì tỷ giá là 23.114 đồng – 23.226 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, sau khi tăng 10 đồng trong ngày hôm qua thì giá USD sáng hôm nay đang chững lại, hiện mua vào phổ biến ở mức 23.180 đồng và bán ra 23.200 đồng.
Phiên giao dịch hôm qua 14/1, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.157 đồng/USD, tiếp tục giảm 5 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.802 đồng/USD, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 đồng/USD.
Hôm qua 14/1, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Tại báo cáo kỳ này, BTC Hoa Kỳ đã đưa Danh sách các quốc gia cần giám sát (Danh sách giám sát) gồm 10 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ai-len, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thụy Sỹ và Việt Nam.
Với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát, trong thời gian tới, BTC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.
Trước thông tin này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà BTC Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
An Hạ