Chuyên gia: Giá vàng phản ứng quá mức với kết quả bầu cử Mỹ

Theo chuyên gia, giá vàng phản ứng “thái quá” khi giảm sâu sau kết quả bầu cử Mỹ, song đây là pha điều chỉnh ngắn chứ không phải xu hướng dài hạn.

Trong ngày ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, vàng thế giới giảm tới 100 USD mỗi ounce, còn chứng khoán và Bitcoin tăng vọt. Phản ứng theo, giá vàng miếng và nhẫn trơn trong nước cũng “bốc hơi” tới 6 triệu đồng một lượng.

“Thị trường phản ứng thái quá với kết quả bầu cử”, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) – chuyên gia theo dõi thị trường vàng hơn 20 năm – nhận xét.

Theo ông, một số nhà đầu tư lấy lý do ông Trump đắc cử sẽ không có lợi cho vàng, vì căng thẳng địa chính trị nhanh chóng hạ nhiệt. Song, chuyên gia của VGTA không ủng hộ quan điểm này. “Chủ trương của ông Donald Trump khác với bà Kamala Harris, căng thẳng địa chính trị không phải là vấn đề có thể xử lý một sớm một chiều”, ông Khánh nói.

Lập luận của ông cũng tương đồng với quan điểm của Hội đồng vàng thế giới (WGC). WGC nhấn mạnh yếu tố quan trọng không nằm ở việc đảng nào có ứng cử viên giành chiến thắng, vì lịch sử không ghi nhận tác động nhất quán của việc này đến giá vàng.

Thay vào đó, mấu chốt nằm ở các chính sách kinh tế tài khóa và tiền tệ mà tổng thống mới đưa ra phù hợp như thế nào với đặc tính của kênh tài sản này. Giá vàng còn phản ứng với các động lực chính như hướng đi của đồng đôla, lãi suất hoặc nhận thức của thị trường về các rủi ro.

Ngoài tâm lý nhất thời của nhà đầu tư, ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, giảm lần này là pha điều chỉnh kỹ thuật thị trường chờ đợi sau đợt đi lên liên tiếp. “Mức giảm 100 USD mỗi ounce trong một ngày không có gì bất thường. Sau đợt tăng dài, kim loại quý cần thiết có sự điều chỉnh, nhằm củng cố, tích lũy lên vùng giá mới”, ông nói thêm.

Ở thị trường trong nước, thay vì có độ trễ nhất định như trước, giá vàng gần như ngay lập tức phản ứng với thế giới và điều chỉnh với biên độ mạnh hơn.

Lý giải việc này, ông Nguyễn An Huy – chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT – cho rằng sau thời gian vàng nhẫn tăng giá, khá nhiều nhà đầu tư mua vào trước đó có vị thế lãi. Việc này thúc đẩy họ có tâm lý chốt lời khi thông tin tiêu cực tác động đến giá vàng. Ngoài ra, biến động giá lần này đi kèm với thông tin về tổng thống mới của Mỹ. Đây là dạng thông tin dễ hiểu và cập nhật với đa số người dân.

“Đối mặt với diễn biến giảm và thông tin dễ hiểu, tác động lần này có khuynh hướng xảy ra tức thời. Đó là lý do vì sao lần này vàng nhẫn phản ánh gần như lập tức với giá thế giới”, ông cho biết.

Còn theo góc nhìn của Phó chủ tịch VGTA, thị trường vàng trong nước luôn đối mặt với vấn đề cung cầu bất đối xứng. Theo ông Khánh, thực tế có tình trạng khi giá tăng mạnh thì người dân ùn ùn đi mua vì tâm lý “sợ bị bỏ lỡ”. Ngược lại, họ ồ ạt bán ra khi giá lao dốc. Trong khi nguồn cung hạn hẹp, biến động lớn từ nhu cầu mua bán của người dân sẽ khiến giá trong nước biến động mạnh hơn so với thế giới, tùy thời điểm.

Ông Huỳnh Trung Khánh dự báo, vàng thế giới sẽ hồi phục sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo giảm lãi suất. Đây là lần điều chỉnh thứ hai của cơ quan này trong năm nay, với mức 25 điểm cơ bản (0,25%).

Phản ứng với động thái nới lỏng của Fed, vàng tăng trở lại ở 2.702 USD một ounce. Mức này cao hơn khoảng 40 USD so với đóng cửa phiên trước.

Về dài hạn, Phó chủ tịch VGTA Huỳnh Trung Khánh giữ quan điểm, đà tăng của kim loại quý được nhiều yếu tố hỗ trợ, như lực mua từ các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị chưa thể sớm chấm dứt.

Với bối cảnh mới sau bầu cử Mỹ, thị trường có thể đang nhìn nhận thêm các yếu tố về chính sách thuế nâng thuế nhập khẩu 10% với tất cả hàng nhập vào Mỹ và giảm thuế trong nước mà ông Trump có xu hướng ủng hộ.

Theo ông Nguyễn An Huy, chính sách này được dự báo kéo lạm phát nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trở lại, đồng USD đắt hơn và gián tiếp hạ giá vàng. Chưa kể, nợ và thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng là những yếu tố mới có thể tác động tới vàng trong ngắn và trung hạn.

“Diễn biến giá vàng luôn phức tạp, người dân không nên đầu cơ mua, bán”, ông Huy lưu ý.

Kim loại quý luôn là kênh dự phòng cho các rủi ro địa chính trị và khủng hoảng kinh tế. Theo chuyên gia, nó chỉ nên chiếm 5-10% tổng tài sản của một cá nhân không chuyên. Vì vậy, nếu nhà đầu tư giữ hơn 10% tài sản là vàng, chuyên gia ủng hộ việc bán ra chốt lời tại thời điểm hiện tại. Còn với danh mục chưa có đủ 5%, việc bán lúc này chưa cần thiết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1
Bạn cần hỗ trợ?