Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 10%, so với 3 tháng trước. Đây là “sự sụt giảm tồi tệ nhất” trong 60 năm qua, các chuyên gia nói.
Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ chịu sự sụt giảm tồi tệ nhất trong vòng 60 năm với sự thu hẹp gần 10% do virus Corona.
So với ba tháng trước, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm gần 10% và cả năm có thể giảm 6%.
Dữ liệu tài chính được công bố trong tuần này cho thấy các nhà phân tích dự đoán GDP quý I của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc ngừng hoạt động kinh tế, xuất phát từ đại dịch bắt đầu ở Vũ Hán và được báo cáo lần đầu tiên vào cuối tháng 12/2019.
Sự suy giảm kinh tế cũng đi cùng với sự sụp đổ của giá dầu, và bị trầm trọng thêm bởi cuộc chiến giữa Opec và Nga. Mặc dù. một thỏa thuận đã được ghi nhận vào thứ Sáu để cắt giảm nguồn cung kỷ lục 10 triệu thùng mỗi ngày, nhưng vẫn còn phải xem liệu điều này sẽ nâng giá dầu sắp tới hay không.
Tác động của việc tạm dừng mọi hoạt động đối với nền kinh tế Trung Quốc được xem là một điềm báo trước về những gì thị trường châu Âu và Mỹ có thể gặp phải khi nới lỏng việc phong tỏa.
Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp phong tỏa nhanh chóng hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu và Mỹ để khóa chặt tâm chấn của dịch bệnh – Vũ Hán, nhưng Bắc Kinh đã bị chỉ trích vì không báo cáo sớm về vụ dịch, trì hoãn công bố thông tin khiến dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới.
Các chuyên gia đã cảnh báo những tác động to lớn đến tài chính, các doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng trên toàn thế giới. Nền kinh tế Anh có thể thu hẹp từ 15 đến 25% trong những tuần và tháng tới. Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh đang trên đà tăng lên trên 8%, theo cảnh báo của các chuyên gia.
Còn Mỹ đã chứng kiến 16 triệu đơn xin thất nghiệp mới, với những hàng dài dòng người xếp hàng đợi được phát lương thực tại các cửa hàng thực phẩm ở California.
Tại Trung Quốc, theo số liệu được công bố ngày hôm qua, doanh số bán ô tô của nước này đã giảm 48,4% trong tháng 3 so với một năm trước.
Ông Tao Wang, người đứng đầu viện nghiên cứu kinh tế tại UBS, dự đoán: Sự co lại 10% trong nền kinh tế của Trung Quốc cho thấy có những tác động tàn phá đối với công ăn việc làm của người dân tại đây.
UBS ước tính 50 – 60 triệu người trong lĩnh vực dịch vụ có thể không có việc làm, với 20 triệu lao động thất nghiệp khác trong các ngành công nghiệp và xây dựng.
Nhưng ông Wang nói với Thời báo Tài chính rằng: “Khi các hoạt động kinh tế được bình thường hóa và với sự trợ giúp của các chính sách hỗ trợ [doanh nghiệp vừa và nhỏ], chúng tôi hy vọng những con số này sẽ giảm nhanh và đáng kể trong các quý tới”.
Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu mở lại các nhà máy, nhà hàng và cửa hàng vào tháng 3 sau khi tuyên bố chiến thắng trước sự bùng phát dịch.
Nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm về khả năng mất việc làm tiềm ẩn hoặc sự hồi sinh của virus khiến việc giao dịch hàng hóa lớn gặp nhiều khó khăn.
Suy thoái đang siết chặt các thương hiệu toàn cầu và Trung Quốc cũng đang phải đầu tư hàng tỷ đô la để phát triển xe điện dưới áp lực phải đáp ứng các mục tiêu bán hàng của Chính phủ.
Theo các chuyên gia, suy thoái kinh tế có nghĩa là Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng gấp đôi trong thập kỷ từ 2010 đến 2020.
George Magnus, cộng tác viên tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford – cho biết, sự co lại về kinh tế của Trung Quốc thậm chí có thể đạt tới 15% và sẽ không bắt đầu phục hồi cho đến đầu năm sau.
Ông nói với Thời báo Chủ nhật: “Mối đe dọa đối với các chuỗi cung ứng mà mọi người đều nhận thức sâu sắc do hậu quả của cuộc khủng hoảng, có nghĩa là các công ty cảnh giác với các nhà cung cấp Trung Quốc hơn. Tạo động lực để rút ngắn chuỗi cung ứng hoặc chuyển nguồn cung đến các quốc gia ở Bắc Á”
Thùy Dung
Theo Daily Mail